(The Best Land) – Mới đây, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng Thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn vào phục vụ kinh tế, bao gồm có lĩnh vực bất động sản. Mặc dù hạn mức được cấp thêm không quá nhiều, nhưng theo các chuyên gia thì đây là điều kiện cần để thị trường sôi động trở lại trước bối cảnh các phân khúc đang dần mất thanh khoản.
Động thái nới hạn mức tín dụng của NHNN được kỳ vọng giúp thị trường BĐS khởi sắc trở lại. (Ảnh minh họa)
Giải tỏa “cơn khát” tín dụng vốn
Ghi nhận từ sàn giao dịch DKRA Việt Nam, trong tháng 8/2022 TP. Hồ Chí Minh chỉ bán được 117 căn hộ chung cư, giảm 78% so với tháng trước. Thâm chí, phân khúc nhà phố (Shophouse), biệt thự có mức thanh khoản thấp nhất từ trước đến nay, khi chỉ giao dịch được 4 căn. Việc khó tiếp cận được nguồn vốn vay, được xem là nguyên nhân chính làm sức cầu giảm mạnh.
“Từ tháng 4 trở lại đây, hạn mức (room) tín dụng gần như đã hết, các hồ sơ vay gần như bị tắc nghẽn. Việc NHNN nới room tín dụng sẽ giúp các hồ sơ đủ điều kiện vay được ngân hàng duyệt giải ngân.” (Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam chia sẻ)
Theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm 2022 là 14%, các ngân hàng còn khoảng 460.000 tỷ đồng có thể giải ngân. Tuy nhiên, với quyết định mới từ NHNN, lượng tín dụng được cấp thêm chưa tới 200.000 tỷ đồng. Chưa kể, nguồn vốn đang tập trung cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Bao gồm: Nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, “Cần thiết phải nâng hạn mức tín dụng lên 15% hoặc tốt hơn hết là 16%, để bơm vốn kịp thời cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mua nhà, có như vậy nền kinh tế chúng ta sẽ được bổ sung tổng nguồn vốn tín dụng từ nay đến cuối năm trên dưới 600.000 tỷ đồng”. Điều đó sẽ góp phần không nhỏ vào sự phục hồi của thị trường Bất động sản cuối năm.
TS. Sử Ngọc Khương nhận định, ngoài nguồn vốn, thị trường đang đối diện với nguồn cung giảm mạnh. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư vẫn còn gặp khó về thủ tục pháp lý. Thay vì, các doanh nghiệp BĐS phải phụ thuộc vào các nguồn thu đã tận dụng, như: nguồn vốn vay trước đây, nguồn thu từ khách hàng; thì nay, nguồn vốn mới này sẽ phù hợp với những dự án đã và đang trong quá trình xây dựng.
Các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng dự báo, động thái nới room tín dụng sẽ kéo sức cầu bất động sản tăng dần vào những tháng cuối năm, nhưng không quá đột biến trong ngắn hạn. Việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản của ngân hàng hiện nay sẽ còn ảnh hưởng đến dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp đến đầu năm sau.