(The Best Land) – Trong bối cảnh, nhiều nhà đầu tư sở hữu đất nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong việc định giá đất, điều đó dẫn đến tình trạng bị ép giá liên tục từ người đi mua, lẫn nhà môi giới (“sale”). Không ít chủ đất “tá hỏa” nhận ra mình bán mảnh đất thấp hơn người khác đến vài trăm triệu-đồng.
Đất “hết sốt”, nhà đầu tư mệt mỏi vì bị ép giá
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chững lại, nhiều nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng về nguồn tiền dẫn đến không thể cân đối khi dùng đòn bẩy tài chính, buộc phải bán đi bất động sản đang nắm giữ. Đây cũng là lúc những nhà đầu tư đi “săn đất” có khả năng tài chính mạnh tìm kiếm sản phẩm được rao bán khi chủ đất bị “ngộp”, không còn đủ khả năng chi trả để mua lại và đàm phán với giá hời.
Anh Quang Thắng, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2021, anh theo chân nhóm bạn có đầu tư mảnh đất rộng 150m² với giá 25 triệu đồng/m² tại vùng ven, với kỳ vọng mức tăng 40-50% sẽ bán. Tuy nhiên, mọi toan tính của anh đều đổ vỡ khi bước sang năm 2022, thị trường bất động sản “quay xe” hạ nhiệt. Liên tục trong 7 tháng nay anh rao bán mảnh đất của mình, nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới. Có thời điểm, người hỏi mua ra giá thấp hơn so với lúc anh mua, nhưng khi đồng ý bán thì họ lại tìm cách đàm phán để ép giá giảm hơn.
Cùng chung hoàn cảnh trên, anh Tú, nhà đầu tư địa ốc tại Hà Nội cũng chia sẻ, khoảng cuối năm 2021 – đầu năm 2022, nhận thấy thị trường bất động sản khắp nơi lên cơn sốt. Trong tay có khoảng 2 tỷ đồng, anh Tú vội xuống tiền mua một lô đất rộng 102m² tại Thạch Thất, tương đương gần 20 triệu đồng/m².
“Mới đầu, lúc mua tôi cũng có tìm hiểu về khu vực này, mặc dù giá đã tăng nhiều, nhưng vị trí cách trung tâm Hà Nội không xa lắm, nên tôi tự tin đặt cọc mua. Được vài tháng, thì nghe đâu ngân hàng siết room tín dụng, hạn chế cho vay mua bất động sản. Tôi có gọi cho bạn môi giới lúc trước giới thiệu ngỏ ý muốn bán, thì bạn có trấn an tôi, dù việc hạn chế cho vay có ảnh hưởng đôi chút đến mua bán, nhưng nhu cầu mua đất tích trữ vẫn cao, nên giá đất không giảm”, anh Tú cho hay.
2 tháng gần đây, thấy thị trường chưa có diễn biến mới, anh Tú quyết định tìm người mua lại mảnh đất. Tuy nhiên, rơi trúng vào tháng 7 âm lịch có một số người tới hỏi mua nhưng muốn thương thảo ép giá giảm sâu hơn. “Theo quan niệm dân gian, tháng 7 là tháng cô hồn, nên họ ngại mua vào thời gian này. Tuy nhiên, mới đây tôi cũng liên hệ lại những người này để mời lại thì họ vẫn muốn giảm khoảng 30% so với giá mua vào. Lý do là thị trường đang chững, mua vào thời điểm này cũng là liều. Tôi đang lưỡng lự nhưng vẫn cứ mời chào thêm”, anh Tú kể.
Chia sẽ nhận định từ chuyên gia
“Việc hạn chế giao dich đất đai trong tháng 7 âm lịch nhìn chung chỉ đúng với những người mua ở thực, còn đối với nhà đầu tư với mục đích mua qua bán lại thì điều này không ảnh hưởng mấy”, chia sẻ từ anh Nam giám đốc sàn môi giới BĐS tại Hà Nội. Anh Nam cũng cho biết, thời điểm thị trường sôi động hay chững cũng sẽ có những đội nhóm tác động nhằm mua được đất. Thời gian này, dù chưa có ý định mua vào nhưng sẽ vẫn đi khảo giá, sau đó trả giá thật thấp, nếu chủ đồng ý thì sẽ mua được món hời. Còn nếu không mua được cũng làm cho chủ đất non kinh nghiệm cảm thấy chán nản, rất dễ sẽ chốt bán ngay.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang nhận định, nhà đầu tư tham gia thị trường với mục đích lướt sóng trong giai đoạn hiện nay rất khó để tồn tại, vì mua BĐS không nên nghĩ là sẽ bán trong vòng 6 tháng hay 12 tháng mà phải kéo dài từ 12 – 36 tháng. Các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, không nên sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư do lãi suất đang tăng. Cộng với việc siết chặt tín dụng, hạn chế cho vay đang diễn ra ở hầu hết các ngân hàng, sẽ ảnh hưởng không lớn đến tâm lý chờ đợi của không ít nhà đầu tư.
“Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu giảm giá từ 3-5%. Thời gian từ 3-6 tháng tới là thời điểm khó khăn đối với bất động sản, vì room tín dụng vẫn chưa có tín hiệu mở lại. Bất động sản sẽ có xu hướng giảm giá, giao dịch chậm lại. Những sản phẩm trong nội đô có giá trên 20 tỷ đồng và ngoại ô trên 10 tỷ đồng bắt đầu chấp nhận giảm giá để bán. Trong quý IV, nếu vẫn khó khăn như hiện tại thì thanh khoản có khả năng tiếp tục giảm từ 5 – 10% đối với những bất động sản giá trị lớn”, ông Quang cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, không khó để lý giải về tình trạng trên, những đợt “sốt nóng” đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người dân có nhu cầu để ở cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.