(The Best Media) – Cùng với việc Cục dự trữ liên Bang Mỹ FED nâng lãi suất lên thêm 0,75 điểm %, mức lãi suất cơ bản của Mỹ đang giao động từ 3 – 3,25 điểm %. Giới chuyên gia đánh giá, mức nâng lãi suất này đã được dự báo trước và còn có thể tăng nữa. Cùng TheBestLand.vn tìm hiểu việc nâng lãi suất của FED ảnh hưởng gì đến thị trường tài chính Thế giới!
FED nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng thứ 3 liên tiếp trong năm 2022. (Ảnh: PV)
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau cuộc họp của FED
Chốt phiên cùng ngày, chỉ số Dow Jones mất hơn 500 điểm tương đương 1,7% xuống còn 30.183,78 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,71% xuống còn 3.789,93 điểm, chỉ số NASDAQ giảm 1,79% xuống còn 11.220,19 điểm. Phiên giao dịch đêm qua là một phiên nhiều sóng gió đối với phố Wall. Việc Fed nâng lãi suất đưa giá trị đồng đô-la Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Chỉ số đồng bảng xanh tăng 0,6%. Bên cạnh đó, những đồng tiền tệ khác có dấu hiệu yếu đi so với đồng đô-la Mỹ. Hiện, 1 Euro chỉ đổi được $0,99, trong khi, chỉ số MSCI của các đồng tiền của những nền kinh tế mới nổi cũng giảm 0,2%.
“Như tôi đã từng nói, ước gì lạm phát có thể biến mất một cách thần kỳ, nhưng không có chuyện đó xảy ra. Nên việc phải làm là cũng cố lại sự liên kết giữa cung và cầu, bằng cách làm giảm đà tăng trưởng kinh tế.” (Ông Jerome Powell, Chủ tịch cục dự trữ liên Bang Mỹ FED chia sẻ tại buổi họp)
Chắc hẳn, việc FED nâng lãi suất không còn là điều quá bất ngờ, khi mà nhiều dự đoán từ những ngày trước cuộc họp đều hướng về xu hướng “tăng”. Thậm chí, lộ trình tăng lãi suất vẫn chưa dừng lại, còn rất dài và nhiều gập ghềnh. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với khủng hoảng suy thoái trong năm nay?
Các chỉ số chứng khoán chủ lực tại phố Wall lao dốc trong khi tỷ giá đồng USD tăng mạnh. (Ảnh: PV)
Chỉ số CPI tháng 8 của Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước (8,5%) cho thấy, lạm phát vẫn nóng hơn dự kiến của nhiều chuyên gia kinh tế nước này. Các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm hứng chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Sau động thái nâng lãi suất lần này của FED, các chuyên gia đánh giá, suy thoái kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề là thời điểm nào mà thôi. Về mặt kỹ thuật, kinh tế nước này đã bước vào suy thoái khi GDP tăng trưởng âm trong hai quý đầu năm nay, tuy nhiên, vẫn được thúc đẩy bằng thị trường lao động mạnh mẽ. Sau động thái tăng lãi suất ngày hôm nay, nhiều chuyên gia đã đảo ngược lại nhận định kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong vòng 12 năm tới, và cho rằng suy thoái sẽ tới ngay vào cuối năm nay.
Về phía thị trường, mối lo ngại suy thoái của các nhà đầu tư cũng lớn hơn trước. Một dấu hiệu dễ nhận biết, đó là, đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc đã đảo ngược. Trong những phiên giao dịch gần đây, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm luôn cao hơn kỳ hạn 10 năm. Thậm chí, có lúc chạm mức cao nhất từ năm 2007.
Chuyên gia nhận định về chính sách nâng lãi suất của FED
Trong bối cảnh nhiều thông tin ảm đạm từ ảnh hưởng của lạm phát, tăng lãi suất, giới chuyên gia tại Mỹ vẫn có hướng nhìn lạc quan về chặng đường tăm tối này sắp tới sẽ bớt tối tăm hơn. Cùng TheBestLand.vn điểm qua một số nhận định được trích dẫn trong chương trình Bản tin Tài chính – Kinh doanh của VTVMoney.
Theo ông Power Awards, Chuyên gia kinh tế trưởng vùng Bắc Mỹ của Capital Economics chỉ ra một số điểm sáng, như: Một là, trong những tháng tới đây, giá nhiên liệu xăng dầu và thưc phẩm tại Mỹ tiếp tục giảm, thậm chí chỉ số CPI lõi (không bao gồm hai mặt hàng vừa nêu) cũng có dấu hiệu hạ nhiệt. Hai là, nguồn cung các loại hàng hóa dần trở nên ổn định. Tức là, trong nền kinh tế Mỹ đang dần già có những dấu hiệu “dễ thở” hơn. Chính vì vậy, những tháng tiếp theo, dù FED có tiếp tục nâng lãi suất, thì mức tăng cũng nhẹ hơn so với những cú tăng mạnh vừa rồi.
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay, liệu rằng việc FED tăng lãi suất sẽ tác động như thế nào đến các nền kinh tế khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng?. Câu trả lời là có, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào từng nền kinh tế.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ngân hàng phát triển Châu Á ADB nhận định, “một số quốc gia trong khu vực, nếu họ đang gánh nhiều khoản nợ bằng đồng đô-la Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong môi trường lãi suất luôn tăng như hiện nay. Lãi suất đồng đô-la Mỹ tăng, giá trị đồng đô-la Mỹ cũng tăng, nhiều nền kinh tế trong khu vực có thể cân nhắc nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ của quốc gia.”
“Đặc biệt, nếu nền kinh tế quốc gia đó đang đối mặt với lạm phát cao (như Thái Lan, Indonesia, Singapore), việc đồng đô-la Mỹ tăng giá đã gây sức ép lên các đồng tiền khác. Tạo ra áp lực cho các nước xuất khẩu nhiều sang các quốc gia khác. Qua đó, làm suy yếu nhu cầu thương mại toàn cầu. Cùng với đó, những doanh nghiệp cần vốn để lớn mạnh, họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Về dòng vốn, các nhà đầu tư nước ngoài đã gần như rút chân toàn bộ khỏi các cổ phiếu mới nổi ở Châu Á.”
“Với thị trường Việt Nam, tôi cho rằng nền kinh tế vẫn còn khá mạnh trong môi trường hiện nay. Tất nhiên, yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến vĩ mô cũng cần được cân nhắc. Việt Nam đang có điều kiện vượt cơn “bão lãi suất” khá tốt so với các quốc gia láng giềng. Về tỷ lệ lạm phát được ngân hàng ADB dự báo đến cuối năm chỉ ở mức 3,8%. Mức nợ công tương đối thấp, chỉ chiếm 43% GDP của nền kinh tế.”
“Việt Nam đã huy động vốn đáng kể thông qua thị trường trái phiếu trong nước bằng nội tệ. Đồng nội tệ Việt Nam cũng khá bình ổn. Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực, và sẽ hưởng lợi nhiều từ giá lương thực tăng tại các quốc gia Châu Âu và Mỹ. Việt Nam có chính sách tài chính thận trọng, cũng như kinh tế vĩ mô ổn định. Đó là những điều kiện tốt để thị trường chống đỡ trước những cú sốc từ yếu tố bên ngoài”.
Dự kiến, mức nâng lãi suất từ FED sẽ kéo dài đến hết Quý I/2023, tăng hơn 4 điểm %. Cho đến khi chỉ số lạm phát nền kinh tế Mỹ đạt về mốc lý tưởng 2%. Đó là quyết tâm được Chủ tịch cục dự trữ liên bang Mỹ nêu ra trước báo chí.