(The Best Media) – Các quan chức cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, FED buộc phải tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát với cái giá đánh đổi là sự sụt giảm đà tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp tăng và các ảnh hưởng tiêu cực khác lên thị trường chứng khoán và bất động sản.
FED lần thứ 3 tăng mạnh lãi suất
Việc FED quyết định tăng mạnh lãi suất lần thứ 3 liên tiếp nhằm làm chậm chi tiêu của người tiêu dùng. Lãi suất cao khiến đời sống tiêu dùng của người Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Đặc biệt, với văn hóa tiêu dùng “mua trước – trả sau” của người Mỹ, việc tăng lãi suất tác động trực tiếp đến sinh hoạt của người dân nước này.
Theo tờ CNBC, người Mỹ có thói quen chi tiêu qua thẻ tín dụng, FED tăng lãi suất đồng nghĩa với lãi suất thẻ tín dụng tăng cao. Theo tính toán của WalletHub, do đợt tăng lãi suất này người tiêu dùng mắc nợ tín dụng sẽ phải chi thêm 5,3 tỉ đô-la Mỹ tiền lãi. Và nếu tính cả việc tăng lãi suất từ tháng 3/2022 đến nay, người dùng qua thẻ tín dụng phải trả khoảng 20,9 tỉ đô-la.
FED tăng mạnh lãi suất đồng nghĩa với việc lãi suất thẻ tín dụng tăng cao. (Ảnh: Pixabay)
Tờ WalletHub cũng phân tích thêm, động thái mới của FED có thể đẩy lãi suất trung bình đối với các khoản vay mua Ôto mới tăng lên 6%. Tức là người tiêu dùng phải trả thêm khoản 1,350 đô-la tiền lãi cho một chiếc Ôto trị giá khoảng 40,000 đô-la, vay trong vòng 6 năm
Ông Vinod Agarwal (Giáo sư kinh tế, Trường kinh doanh Strome) cho biết, việc nâng lãi suất cơ bản sẽ khiến chi phí đi vay của người tiêu dùng tăng lên và nợ tín dụng cũng tăng theo. Ngay từ lúc này, các tác động từ việc tăng lãi suất đã bắt đầu được quan sát thấy. FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,7% lên 3,8% trong năm nay, và tăng vọt lên 4% trong năm 2023.
Trong khi đó, một nghiên cứu của trường Đại học California cho rằng, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tụt giảm nghiêm trọng trong 12 tháng tới, trong khi lạm phát vẫn đứng ở mức cao. Theo Goldment Search, nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán có thể sụt giảm xuống 10% so với hiện nay.
Các tác động từ việc FED thắt chặt mạnh tay chính sách tiền tệ, còn có tác động lan tỏa đến các nền kinh tế khác. “Các ngân hàng trung ương khác cũng buộc phải tăng lãi suất theo FED, và điều này sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới”, Ông Horst Lochel (Giáo sư kinh tế, trường Quản lý và Tài chính Frankfurt) chia sẻ.
Giáo sư Lochel cũng cho rằng, sự chênh lệch lãi suất sẽ khiến tỷ giá đồng Euro so với đồng đô-la Mỹ tiếp tục sụt giảm, thúc đẩy dòng vốn rút khỏi khu vực Eurozone và gây ra tình trạng nhập khẩu lạm phát, khiến cuộc chiến chống lại đà tăng giá hàng hóa vốn đã khó khăn, nay lại càng phức tạp hơn.
NHNN phấn đấu ổn định lãi suất cho vay
Trước cơn bão “tăng lãi suất”, NHNN đã chính thức tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %. Lý giải về việc tăng lãi suất này, lãnh đạo NHNN cho hay, hiện tại các NHTW trên thế giới đã thực hiện hơn 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu để đối phó với lạm phát. Chính điều này đã gây áp lực lớn đến tâm lý các nhà đầu tư. Dòng vốn rút ra cũng tạo ra áp lực mất giá rất lớn đối với đồng tiền các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tại buổi họp báo thường kỳ thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022, lãnh đạo NHNN đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ: ngành ngân hàng sẽ tiếp tục giữ vững ổn định tỷ giá, tiết kiệm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
NHNN buộc phải tăng lãi suất để hạn chế lạm phát nhập khẩu, làm tăng giá cả hàng hóa trong nước. Hiện đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới, khoảng 4%. Trong khi giá trị hai đồng tiền EUR và JPY mất giá lần lượt là 13,49% và 25%.
Về định hướng lãi suất, NHNN khẳng định tăng lãi suất điều hành đầu vào, nhưng ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu ổn định lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí. Đồng thời tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.