Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng kỷ lục: 13,67%

29/09/2022

(The Best Media) – Tăng trưởng GDP quý 3 năm 2022 của Việt Nam đạt mức tăng kỷ lục trong hơn một thập kỷ vừa qua, tăng 13,67% trên nền tăng trưởng âm của quý 3 năm ngoái. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài cũng gặt hái những mặt tích cực. Giải ngân vốn đầu tư FDI 9 tháng đầu năm đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng TheBestLand.vn cập nhật những số liệu mới nhất từ buổi họp của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng hôm nay.

Tăng trưởng GDP quý 3 đạt mức tăng kỷ lục: 13,67%

Báo cáo mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức gần 14% so với cùng kỳ quý III/2021. Đây là mức tăng vượt kỳ vọng đối với nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế trong nước đưa ra hồi đầu năm. Cùng với đó, chỉ số CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2022 cũng chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Khẳng đinh sự thành công của Việt Nam trong công tác kiềm chế lạm phát dù vẫn còn 3 tháng nữa mới hết năm.

Trong 3 nhóm ngành chính đóng góp vào sự tăng trưởng GDP quý 3, nổi bật nhất là ngành dịch vụ. Nếu GDP tăng 13,67% thì riêng ngành dịch vụ đã tăng 18,86%, cũng là mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP quý 3.

tang-truong-GDP-9-thang-dau-nam-2022-tang-ky-luc-13,67% (2)

Tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam đạt mức tăng kỷ lục trong hơn một thập kỷ vừa qua. (Ảnh thiết kế: The Best Media)

“Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết.

Đóng góp vào bức tranh tăng trưởng GDP quý 3, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04% mức tăng. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp vào mức tăng là 41,79%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.

Không chỉ lực cầu nội địa, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tăng trưởng ổn định ở mức xuất siêu tiếp tục gia tăng trong tháng 9. Kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại sẽ duy trì xuất siêu, và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng từ 7-8%. Mức tăng trưởng ngành dệt may được kỳ vọng có những bức phá và đạt kinh ngạch xuất nhập khẩu khoảng 45 tỷ USD trong năm nay.

Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài FDI tiếp tục tăng mạnh

Quý III/2022 cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI vào nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo từ Cục đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ KH&ĐT, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài FDI tính đến 20/9 đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu năm là 15,4 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia nhận định, vốn đầu tư FDI được giải ngân cao là tín hiệu tích cực, cho thấy các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngoài giải ngân vốn đầu tư FDI tăng, điểm tích cực tiếp theo là số dự án đầu tư mới đang tăng theo từng tháng. Cụ thể, số dự án đầu tư mới trong tháng 9 tăng 6,8% so với tháng 8 và tăng 46,2% so với tháng 7 cùng kỳ. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Bằng việc đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng hơn nữa dự án hiện hữu tại Việt Nam.

“Chúng ta đã thành công trong việc xây dựng Việt Nam là điểm đến hợp lý và có hiệu quả trước các nhà đầu tư nước ngoài. Các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính của Việt Nam đang tiến hành cải cách trong nhiều năm qua từng bước thu lại kết quả tốt. Đây cũng là bài học nhắc nhở cho hệ thống, các cơ quan quản lý, giải ngân đầu tư công phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, để giải ngân vốn trong nước cũng đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh như FDI”, Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ.

Cũng theo Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây chính là lúc mà Việt Nam cần sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực, đất đai, nhân lực, hạ tầng và cải cách môi trường đầu tư, để đón đầu dòng vốn dịch chuyển của FDI đang diễn ra ngày một mạnh mẽ.

Nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, ngân hàng phát triển Châu Á ADB vừa có đánh giá tích cực về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 và 2023. Đây cũng là một động lực quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục là thỏi nam châm thu hút được dòng vốn FDI.

Nguồn: Tổng Cục thống kê Việt Nam

5/5 - (1 bình chọn)
Gọi tư vấn ngay
Chat qua facebook
Chat qua zalo