(The Best Media) – Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến về việc bỏ khung giá đất, tiếp tục sử dụng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường do địa phương xây dựng và ban hành, dưới sự giám sát của Trung ương. Cùng TheBestLand.vn tìm hiểu những đổi mới trong dự thảo và một số ảnh hưởng từ việc xóa bỏ khung giá đất đến công tác quản lý, điều hành thị trường chung.
Hướng đến bỏ khung quy định giá đất, xác định giá dựa trên giá trị thực. (Ảnh: ĐTTV)
Xóa bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo giá thị trường
Khi bỏ khung giá đất, giá tài sản có thể cao hơn nhưng là giá trị thực, không phải là giá ảo. Về phía Nhà nước, khi giá đất địa phương ban hành bám sát với giá thị trường sẽ không còn hiện tượng hai loại giá, từ đó hạn chế được cơ bản vấn đề kê khai giá thấp để giảm số thuế phải nộp xuống, tránh tình trạng thất thu ngân sách…
Việc làm này cũng phù hợp với tinh thần của một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.”
Vấn đề quan trọng nhất là định nghĩa thế nào là giá thị trường? Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, giá đất theo giá thị trường chính là sự ước lượng giá trị được trao đổi trên thị trường thông qua các hợp đồng chuyển nhượng. Giá đất theo giá thị trường sẽ được tính theo ngày, theo tuần, theo tháng chứ không phải tính theo 5 năm một lần như hiện nay. Giá bất động sản sẽ được điều chỉnh bằng quy luật cung cầu. Giá cao không có người mua thì giá nhà đất phải xuống và xu hướng xuống sẽ là nhiều.
Giá đất địa phương ban hành bám sát với giá thị trường sẽ không còn hiện tượng hai loại giá. (Ảnh: TBM)
Nếu việc bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo luật đã thể hiện khá rõ các quy định liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Đảm bảo quyền lợi của người dân khi quy hoạch công trình công cộng
Dẫn chứng câu chuyện đất nông nghiệp của người dân bị quy hoạch công trình công cộng và chỉ được đền bù theo mức giá đất nông nghiệp, trong khi đó cách vị trí nhà, đất của họ không xa, người dân có nhà, đất may mắn được quy hoạch là khu dân cư thì giá trị nhà, đất được tăng lên rất nhiều lần. Báo Sài gòn giải phóng bình luận: “Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần hướng tới việc đảm bảo quyền lợi của dân khi quy hoạch công trình công cộng”.
Tờ Giao thông cho rằng, vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đang là vướng mắc lớn nhất hiện nay của Luật Đất đai 2013. Vì vậy, các quy định nhằm đảm bảo sinh kế bền vững và tốt hơn cho người có đất bị thu hồi cũng sẽ khắc phục tình trạng khiếu kiện, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư… Trong đó, điểm đáng chú ý ở dự thảo lần này là quy định việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.
Cũng tại buổi hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến được giới chuyên môn đưa ra đã tập trung thảo luận về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, tái định cư.
Trường hợp nào nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trường hợp nào nên thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất); nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư như thế nào cho thỏa đáng để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, tờ Đại biểu nhân dân thông tin.
Khi áp dụng bảng giá đất thấp, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ rất khó khăn. Việc đền bù giá thấp gây ra nhiều thiệt hại đối với người có đất bị thu hồi, do đó người dân sẽ không chấp nhận dẫn đến khâu đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, dự án chậm triển khai, tình trạng khiếu kiện, khiến nại đất đai gia tăng…
Việc bỏ khung giá đất có khiến giá nhà đất tăng?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT ông Trần Hồng Hà cho biết, việc xác định được đúng giá đất theo thị trường sẽ giúp người dân có lợi khi thu hồi đất, đền bù. Ngoài ra, bản thân nhà nước cũng có lợi khi thực hiện thu các nghĩa vụ tài chính từ người dân.
“Giá đất ở đây sẽ tăng hơn so với thời kỳ áp dụng khung giá đất nhưng không ảnh hưởng lớn đến giá đất liên quan đến các nhà đầu tư hiện nay. Bên cạnh đó chúng ta có chính sách khu vực nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, người lao động thì nhà nước không thu tiền nên việc bỏ khung giá đất hoàn toàn không ảnh hưởng đến bảng giá đất theo thị trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Ông Trần Hông Hà. (Ảnh: VTVMoney)
Chia sẻ thêm về Chính sách hỗ trợ cho người dân khi nằm trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện các dự án, Bộ trưởng cho biết, “Việc đền bù, hỗ trợ tái định cư phải được đa số người dân thống nhất thì mới thực hiện việc thu hồi đất của người dân. Phải đảm bảo người dân được thừa hưởng và phân phối công bằng những nguồn lực của đất nước, trong đó có nguồn lực của đất đai. Trong từng bước thực hiện các dự án phải có trách nhiệm tính toán đánh giá các tác động và xác định chính sách an sinh, công ăn việc làm…”
Do đó, việc bỏ khung giá đất và Hội đồng Nhân dân tỉnh phải xây dựng bảng giá đất dựa trên nguyên tắc thị trường chính là đột phá, là cuộc cách mạng về tầm nhìn và tư duy quản lý, bỏ áp đặt mệnh lệnh hành chính, sử dụng các công cụ thị trường để xây dựng chính sách về giá đất.
Nguồn: Tổng hợp từ Báo Xây Dựng và Báo Điện tử VTV.vn