Danh sách 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1

07/10/2022

(The Best Media) – Dự án đường cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 có tổng chiều dài toàn tuyến 654km, chạy qua 13 tỉnh thành, chia làm 11 dự án thành phần. Trong đó, có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Danh-sach-11-du-an-thanh-phan-duong-cao-toc-bac-nam-giai-doan-1

Danh sách 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc Nam, giai đoạn 1 (năm 2017 – 2020). (Đồ họa: Báo Hà Nội Mới)

Tính đến hiện tại, đã có 1 dự án thành phần hoàn thành đi vào khai thác sử dụng (Đoạn cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn), 10 dự án thành phần còn lại hiện vẫn đang trong quá trình thi công xây dựng. Riêng 4 dự án thành phần (Đoạn cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan ThiếtPhan Thiết – Dầu Giây) dự kiến về đích cuối năm nay.

3 Dự án thành phần đường cao tốc Bắc Nam đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

Đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt

Dự án cao tốc thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt là một đoạn của tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía đông. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 49,3km, đi qua địa phận hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Riêng đoạn Cao tốc Bắc Nam qua Diễn Châu (Nghệ An) dài 44,4km.

Đoạn cao tốc Bắc Nam này có tổng mức đầu tư hơn 11.157 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư tự huy động là 5.090 tỉ đồng, nguồn vốn Nhà nước tham gia là hơn 6.067 tỉ đồng. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 5/2021, giai đoạn phân kỳ một được đầu tư quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 5/2024. 

Hiện dự án đang triển khai thi công đạt 14,4% sản lượng toàn tuyến, chậm 7% so với hợp đồng. Tổng số mũi thi công được huy động chỉ đạt 124 mũi, thấp hơn 140 mũi theo yêu cầu của Bộ GTVT. Nguyên nhân ban đầu được cho là “do kết cấu bên dưới chưa thi công xong nên chưa thể chuyển thi công kết cầu phần trên, dẫn đến khối lượng bị chậm”, Ông Trương Đức Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (DNDA) cho biết.

Đoạn cao tốc Nha Trang – Cam Lâm

Đoạn cao tốc Nha Trang – Cam Lâm có tổng chiều dài toàn tuyến gần 50km. Tổng quy mô vốn đầu tư phân kỳ sơ bộ vào khoảng hơn 5 ngàn tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư chiếm 20% (khoảng 2.556 tỉ đồng); Vốn nhà nước tham gia gần 3 ngàn tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án được thiết kế với quy mô 4 làn xe, đến 9/2023 đưa vào khai thác.

Theo (Ông) Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (DNDA) cho biết, Dự án cao tốc Bắc Nam qua Khánh Hòa đạt tổng khối lượng thi công 51% giá trị hợp đồng, cao nhất trong số 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Nhà đầu tư đã huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu tại dự án Nha Trang – Cam Lâm. Về phần vốn vay và vốn Nhà nước góp tại dự án (VGF) đã giải ngân đạt 45%. Dự kiến cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư vào phân kỳ dự án sẽ đạt 60% giá trị hợp đồng.

Đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo

Đây là tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông nối 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận. Có tổng chiều dài 78,5km, có điểm đầu tiếp giáp đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, điểm cuối tiếp giáp đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Dự án được thiết kế với quy mô phân kỳ đầu 4 làn xe, tốc độ thiết kế đạt 80km/h. Sau khi hoàn thành sẽ nâng quy mô lên 6 làn xe, rộng hơn 32m.

Công trình có tổng vốn đầu tư 8.925 tỉ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu đóng góp 3.786 tỉ đồng, vốn Nhà nước vào khoảng 4.200 tỉ đồng. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 9/2021, thông xe (dự kiến) vào quý III/2024.

Theo báo cáo mới nhất, tính đến 10/2022, liên danh nhà thầu đường cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã góp vốn hơn 766 tỉ đồng (tương đương 74,3% giá trị hợp đồng) tổng vốn chủ sở hữu, vượt 140% tiến độ theo yêu cầu của Bộ GTVT. Riêng nguồn vốn VGF giải ngân đạt 867 tỉ đồng.

Dự kiến, cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu sẽ được giải ngân đạt 1.000 tỉ đồng; vốn VGF đạt 1.066 tỉ đồng; vốn tín dụng giải ngân 700 tỉ đồng.

Cùng với đó, sản lượng thi công tại công trình đạt khoảng 30% kế hoạch (vượt 5% chỉ tiêu). Mục tiêu đến cuối năm 2022, việc thi công đắp nền đường sẽ hoàn thành. Phần móng công trình cao tốc sẽ được hoàn thành vào cuối quý II/2023. (Ông Đặng Tiến Thắng, P. TGĐ Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho biết thêm)

8 Dự án thành phần đường cao tốc Bắc Nam đầu tư công

Đoạn cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn

Dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ – Mai Sơn dài 15,2km đi qua hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình đã chính thức thông xe đầu năm 2022. Là dự án thành phần đầu tiên được đưa vào sử dụng sau gần 25 tháng thi công. Dự án do Sở GTVT tỉnh Ninh Bình làm Chủ đầu tư.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.162 tỉ đồng, được thiết kế lưu thông với 4 làn xe, tốc độ 80km/h. Điểm đầu kết nối với tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, điểm cuối tiếp nối với tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc Lộ 45.

Đoạn cao tốc Mai Sơn – Quốc Lộ 45

Dự án thành phần cao tốc Mai Sơn – Quốc Lộ 45 thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 1 (2017 – 2021). Toàn tuyến có tổng chiều dài 63,7km, riêng đường cao tốc Bắc Nam qua Thanh Hóa có chiều dài 49,02km.

Theo thiết kế, phân kỳ giai đoạn 1 của dự án sẽ được quy hoạch 4 làn xe, nền rộng 17m, tốc độ tối đa 80km/h. Đến giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô nâng lên 6 làn xe, nền rộng hơn 32m, vận tốc đạt 120km/h.

Công trình có tổng vốn đầu tư 12.111 tỉ đồng (từ nguồn vốn ngân sách nhà nước), được khởi công vào tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành thi công xây lắp vào tháng 12/2022, thông xe kỹ thuật vào quý I/2024. Tính đến tháng 10/2022, tổng lũy kế khối lượng công trình thi công toàn tuyến đạt 69,5% (chậm 1,5% theo giá trị hợp đồng).

Đoạn cao tốc Quốc Lộ 45 – Nghi Sơn

Đây là tuyến đường cao tốc Bắc Nam đi qua Thanh Hóa có tổng chiều dài 43,28km. Ban đầu công trình đường bộ cao tốc đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn được phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tuy nhiên, sau đó dự án đã được Quốc hội thống nhất điều chỉnh sang hình thức đầu tư công (từ nguồn vốn ngân sách nhà nước).

Dự án có tổng mức đầu tư 5.534,4 tỉ đồng, khởi công vào tháng 7 năm 2021. Hiện công trình đã thi công đạt 47,3% giá trị hợp đồng (chậm 1,99% theo kế hoạch). Nguyên nhân chủ yếu do biến động của thời tiết mưa nhiều và giá nguyên vật liệu tăng trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, nhiều nhà thầu lớn vẫn đang nổ lực thi công để lũy tiến khối lượng từng ngày, nổ lực đưa công trình về đích đúng tiến độ vào tháng 7/2023. 

Đoạn cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu

Đây là một đoạn nằm trong tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông đi qua hai địa phận tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Trong đó, đoạn cao tốc Bắc Nam qua Nghệ An có chiều dài 26,68km. Toàn tuyến có chiều dài 50km, được thiết kế phân kỳ 1 với 4 làn xe, tốc độ tối đa 80km/h. Đến giai đoạn hoàn thành sẽ nâng quy mô lên 6 làn xe.

Tổng vốn đầu tư vào khoảng 7.293 tỉ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 7/2021, dự kiến về đích vào tháng 7/2023. Đây cũng là dự án thuộc danh mục các dự án đầu tư công, nguồn vốn từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn

Dự án thành phần cao tốc Cam Lộ – La Sơn có tổng chiều dài toàn tuyến 98,35km. Trong đó, phần dự án cao tốc Bắc Nam qua Quảng Trị dài 37,3km, giao với nút giao thông Quốc lộ 9, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. Phần còn lại của đoạn cao tốc Bắc Nam qua Thừa Thiên Huế dài 61km.

Tính đến nay, đây là dự án thành phần triển khai đạt hơn 94% giá trị hợp đồng thi công. Dự kiến giai đoạn đầu của dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022, với quy mô ban đầu khai thác 2 làn xe, bề mặt đường rộng 12m. Đến khi hoàn chỉnh sẽ nâng quy mô lên 4 làn xe, rộng 23m.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng gần 7.700 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Là một trong 4 dự án thành phần cao tốc buộc phải đi vào hoạt động trong năm 2022, nên các mũi thi công tại công trường luôn hoạt động hết công suất với phương châm “ba ca, bốn kíp”.

Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết

dự án cao tốc Bắc Nam qua Bình Thuận với tổng chiều dài 100,8km, dài nhất trong số 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 – 2020. Công trình được khởi công vào tháng 9/2020, với tổng vốn đầu tư khoảng 10.853 tỉ đồng. Hiện dự án đang thực hiện đạt gần 51% kế hoạch hợp đồng, chậm 5% so với kế hoạch đã được điều chỉnh.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được lý giải là khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, yếu tố thời tiết thay đổi cũng như biến động giá vật liệu xây dựng, làm ảnh hưởng đến việc thi công, san lấp các hạng mục chính, như: đào đá nền đường (đạt 96%); đắp nền đường K95 đạt gần 80%; đắp nền đường K98 đạt hơn 63%; làm móng cấp phối đá dăm đạt hơn 48%; bê tông nhựa rỗng đạt 19%; bê tông nhựa C19 đạt 4,44%,…

Theo kế hoạch, dự án sẽ được thông xe trong cuối năm 2022, với quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, bề rộng 17m, tốc độ tối đa 80km/h. Tuy nhiên, với tình hình thi công tại công trường đang diễn ra chậm, có lẽ, dự án sẽ phải lỡ hẹn trong năm nay. Thông tin sẽ được TheBestLand.vn cập nhật trong những bản tin Bất động sản tiếp theo.

Đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

Đây là dự án huyết mạch giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn lên đến 18.100 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng vào khoảng 11 ngàn tỉ đồng.

Công trình có tổng chiều dài gần 99km, và là 1 trong 3 tuyến cao tốc thành phần đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận. Dự án được quy hoạch xây dựng 4 làn xe rộng 27m, và được nâng cấp lên 6 làn xe đến khi hoàn chỉnh.

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư đoạn Dầu Giây – Phan Thiết), khối lượng thực hiện từ khởi công đến nay đạt 57,7% so với hợp đồng, cơ bản đáp ứng đúng tiến độ điều chỉnh. Hiện cả nhà thầu thi công và Chủ đầu tư đang gấp rút chạy đua kịp tiến độ về đích trong năm 2022.

Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu

Cầu Mỹ Thuận 2 là dự án nằm trong kế hoạch thi công, xây dựng nhịp cầu nối liền hai tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long là Tiền Giang và Vĩnh Long. Công trình được khởi công từ tháng 2/2022, là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Tiền (gồm: Cầu Cao Lãnh, Cầu Mỹ Thuận, Cầu Hàm Luông, Cầu Cổ Chiên, Cầu Rạch MiễuRạch Miễu 2).

Nhịp cầu chính dài 1,9km, được thiết kế hoàn chỉnh với 6 làn xe, tốc độ tối đa 80km/h. Tiến độ thi công tính đến nay đã đạt 60% kế hoạch hợp đồng (vượt 3,5%). Cầu Mỹ thuận 2 là một dự án cầu dây văng lớn, phức tạp với nhịp chính dây văng dài 650m, với hai trụ tháp cao 125,5m. Dự án khi hoàn thành góp phần “chia lửa” cho cầu hiện hữu, giúp kết nối giao thông khu vực miền Tây.

Nguồn: Tổng hợp từ Báo Chính phủ, Báo Giao thông, Báo Đầu tư

5/5 - (2 bình chọn)
Gọi tư vấn ngay
Chat qua facebook
Chat qua zalo